0

Rối loạn ngôn ngữ nói chuyên biệt ở trẻ | Safe and Sound

Rối loạn ngôn ngữ nói chuyên biệt được chuyên gia tâm lý định nghĩa là sự rối loạn dai dẳng và đáng kể đến cấu trúc ngôn ngữ nói trên trẻ có trí tuệ, khả năng nghe, giao tiếp bình thường cũng như không có tổn thương về thần kinh gây cản trở việc giao tiếp bằng miệng. Rối loạn ngôn ngữ nói ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và khả năng học tập của trẻ trong môi trường mà trẻ sử dụng tiếng mẹ đẻ ngay từ bậc học mầm non. 

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Chẩn đoán rối loạn ngôn ngữ nói chuyên biệt 

Trước một trẻ không nói hay gặp khó khăn trong việc nói hoặc không hiểu điều người khác nói với trẻ, việc chẩn đoán của chuyên gia tâm lý sẽ tiến hành qua các giai đoạn sau:

  • Giai đoạn 1: Xác định khoảng cách trong việc nắm bắt ngôn ngữ của trẻ so với chuẩn dành cho trẻ cùng lứa tuổi.
  • Giai đoạn 2: Xác định rối loạn ngôn ngữ nói dựa trên việc loại trừ các bệnh lý khác ảnh hưởng đến việc biểu đạt ngôn ngữ của trẻ.

Tre-gap-kho-khan-trong-viec-noi-hoac-khong-hieu-dieu-nguoi-khac-noi-voi-tre-safe-and-sound  Ảnh 1: Trẻ gặp khó khăn trong việc nói hoặc không hiểu điều người khác nói với trẻ

Theo chuyên gia tâm lý, quá trình hình thành ngôn ngữ của trẻ là một hoạt động “động”, trẻ nghe, phân tích và sản xuất ngôn ngữ riêng của mình, nên trẻ cần phải được nghe, có thể suy luận, muốn được giao tiếp,... do đó, để khẳng định rối loạn ngôn ngữ nói chuyên biệt phải loại trừ: việc trẻ bị khiếm thính (điếc), rối loạn phát triển lan tỏa, chậm phát triển tâm thần, không có bất thường về bộ máy cấu âm, không bị tổn thương não mắc phải trong quá trình phát triển, không có rối loạn tâm lý nghiêm trọng, không loạn tâm, không bị bỏ rơi cũng như không bị thiếu hụt về giáo dục.

Các trắc nghiệm tâm lý có thể sử dụng để loại bỏ các bệnh lý liên quan đến sự bất thường về ngôn ngữ, từ đó chúng ta có thể xác định chính xác hơn rối loạn ngôn ngữ nói chuyên biệt: loại bỏ chứng điếc bằng việc kiểm tra thính giác, chậm phát triển trí tuệ bằng các trắc nghiệm như W.I.S.C-III, W.P.P.S.I, K-ABC..., rối loạn phát triển lan tỏa bằng các trắc nghiệm không lời và hành vi cảm xúc, sức khỏe tâm thần, tìm hiểu quá trình phát triển, bệnh sử của trẻ…

  • Giai đoạn 3: Phân biệt các khó khăn về ngôn ngữ đó là “chậm phát triển ngôn ngữ” hay “rối loạn ngôn ngữ nói chuyên biệt”? Hai khái niệm này có những điểm khác biệt về tiến trình tiến triển và chẩn đoán.

2. Xác định dựa trên tiến trình phát triển ngôn ngữ

Ảnh 2: Các khó khăn hoặc rối loạn biểu đạt ở trẻ thường làm cha mẹ lo lắng

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, trên thực tế có sự thay đổi lớn trong khoảng tuổi bắt đầu xuất hiện ngôn ngữ, trong sự phát triển nhanh chóng vốn từ và trong việc nắm bắt vốn từ một cách hoàn toàn. Trong đa số các trường hợp, chuyện khác biệt cá nhân trong quá trình phát triển là bình thường, ví dụ tuổi mà trẻ bắt đầu các vận động cơ thể có thể khác nhau, trẻ có thể bò-ngồi-đi sớm hay muộn hơn trẻ khác một chút. Theo chuyên gia tâm lý, đối với sự phát triển ngôn ngữ nói cũng thể, người ta sẽ xem là vấn đề rối loạn ngôn ngữ nói trong trường hợp trẻ rơi vào tình huống sau:

  • Không nói từ đơn lúc 18 tháng.
  • Không kết hợp từ lúc 2 tuổi.
  • Không rõ ràng, khó hiểu với những gì trẻ nói sau 24 tháng.
  • Không hình thành câu đơn vào 36 tháng.
  • Không sử dụng đại từ nhân xưng “con/ cháu/tôi/mình/ tên bé/ sau 36 tháng.

Các khó khăn hoặc rối loạn biểu đạt ở trẻ thường làm cha mẹ lo lắng, chú ý cộng thêm các hành vi bất thường như: Lo sợ chia ly kéo dài; hung hăng, gây hấn với bạn trong lớp; tách rời hoặc rút lui khỏi nhóm khi bắt đầu đi học hoặc khi trẻ gặp khó khăn ở bậc tiểu học: thất bại trầm trọng trong việc học; không đáp ứng được các yêu cầu của nhà trường; Khó khăn trong việc nắm bắt ngôn ngữ viết cũng như việc đọc thậm chí ở lại lớp.

Tuy nhiên, trong độ tuổi từ 18 tháng đến 3 tuổi còn có ít các phương tiện cho phép phân biệt đó là trẻ chỉ chậm nói hay trẻ mắc phải rối loạn ngôn ngữ nói. Nhưng chúng ta có thể loại trừ được trẻ tự kỷ và trẻ chậm phát triển trí tuệ. Chuyên gia tâm lý khuyến nghị, việc theo dõi thường xuyên là cần thiết hơn và không nên bỏ qua sự cảnh báo của cha mẹ cũng như chỉ làm yên lòng họ về vấn đề của trẻ.

: Rối loạn ngôn ngữ nói chuyên biệt ở trẻ | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound